Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Thứ tư - 11/05/2022 16:28 2019
    Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (tiếng Anh: Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) được ký kết tại Hà Nội vào ngày 15/11/2020, hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA). Mục tiêu của RCEP là tích hợp các FTA khác nhau mà 10 nước ASEAN đã ký với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Trung Quốc (FTA ASEAN + 1) thành một Hiệp định toàn diện để tối đa hóa các lợi ích kinh tế. RCEP sẽ là một Hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi, bao gồm các lĩnh vực: Thương mại hàng hóa; Dịch vụ; Đầu tư; Hợp tác kinh tế và kỹ thuật; Sở hữu trí tuệ; Cạnh tranh; Giải quyết tranh chấp và các vấn đề khác.
    Ngày 16/11/2021, Bộ Công Thương ban hành Công văn số 7268/BCT-ĐB về việc thông báo thời điểm có hiệu lực của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Hiệp định RCEP gồm 20 chương và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Việc thực hiện Hiệp định RCEP ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói riêng có nhiều thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức nhất định (Ảnh minh họa).
Thuận lợi:
  • Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2018, việc thực thi Hiệp định RCEP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% nếu có tính đến lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế. RCEP, với sự tham gia của 15 thành viên, sẽ tạo ra thị trường với quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới. Việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng lớn, tạo thuận lợi cho thương mại, thiết lập một thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài. Điều này sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho nền kinh tế trong nước và toàn cầu.
  • Việc cắt giảm thuế nhập khẩu và cộng gộp chi phí xuất xứ nguyên liệu nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho những sản phẩm trong các lĩnh vực như: viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép,…thuận lợi cho các doanh nghiệp dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực; giúp hài hòa các cam kết đặc biệt là quy tắc xuất xứ và thuận lợi hóa thương mại.
  • Việc thực thi Hiệp định RCEP ràng buộc các thành viên trong một khuôn khổ nhất định trên các lĩnh vực: Thương mại hàng hóa; Dịch vụ; Đầu tư; Hợp tác kinh tế và kỹ thuật; Sở hữu trí tuệ; Cạnh tranh; Giải quyết tranh chấp và các vấn đề khác. Điều này sẽ tạo ra một “sân chơi” công bằng cho các nước thành viên.
  • Thế mạnh của Việt Nam nghiêng về xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu về nông nghiệp như: nông, lâm, thủy sản mà các nước tham gia ký kết Hiệp định đa số đều có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng này, một số mặt hàng đáp ứng yêu cầu về xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan.   
  • Góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây.
  • Thúc đẩy việc tạo thuận lợi cho thương mại, tự do hóa đầu tư, nâng cao trình độ hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự thịnh vượng lâu dài cho khu vực.
    Với những thuận lợi trên, RCEP mang lại nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung: giúp mở rộng thị trường, mở cửa nền kinh tế để nhập hàng hóa rẻ hơn tạo điều kiện phát triển kinh doanh, xóa bỏ rào cản thương mại và dỡ bỏ hàng rào thuế quan tạo điều kiện cho hàng hóa tiếp cận thị trường mới đồng thời thu hút nguồn đầu tư từ những nước khác, tiếp cận được những ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để ứng dụng vào phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh những mặt thuận lợi trên thì việc ký kết và thực hiện Hiệp định RCEP có một số khó khăn, thách thức như sau:
  • Sức ép cạnh tranh hàng hóa. Đây được xem là “mầm móng khó khăn xuất hiện trong cơ hội phát triển”, việc mở cửa thị trường, tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài đã giúp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong việc phát triển kinh tế nhưng bên cạnh đó nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn. Điều này vô hình chung gây một sức ép lớn đến các nguồn cung trong nước. Sức ép cạnh tranh hàng hóa không chỉ xảy ra ở thị trường “ngoài” mà ngay cả thị trường nội địa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ cũng sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, ngay cả khi mặt hàng nông, thủy sản là thế mạnh của Việt Nam cũng chịu thách thức cạnh tranh trong khu vực RCEP.
  • Thị hiếu tiêu dùng của Việt Nam còn mang tính chất “hướng ngoại”, thị hiếu chung của người Việt vẫn ưu tiên sử dụng các sản phẩm ngoại nhập, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đến từ các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc…nhất là đối với các sản phẩm có yêu cầu sử dụng khắt khe như: sản phẩm chăm sóc em bé, bà bầu, sức khỏe, làm đẹp, điện tử, thời trang… Mặc dù, hàng trong nước vẫn đảm bảo về chất lượng, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng chung nhưng sức cạnh tranh còn yếu, chưa xây dựng được các tên tuổi mạnh trên thị trường so với các nước khác đồng thời việc quảng bá chưa bao quát rộng khắp nên chưa làm thay đổi nhiều về mặt thị hiếu tiêu dùng của người Việt.
  • Hàng hóa của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các thị trường nhập khẩu. Thực trạng hiện nay cho thấy, Việt Nam vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào việc nhập khẩu các nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Việc chịu khoản thuế suất nhập khẩu và nguồn cung bị giới hạn đã phần nào ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường nước ngoài.
  • Theo các chuyên gia kinh tế, thách thức lớn nhất của RCEP là có thể khiến sản lượng hàng hóa xuất khẩu của một số quốc gia bị giảm sút, trong đó có Campuchia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Do đó, để "bù đắp" vào sản lượng giảm sút này, Việt Nam phải nâng chất lượng hàng hóa để tăng giá trị kim ngạch. Có thể thấy, đây là thách thức với các doanh nghiệp trong nước nhưng đồng thời cũng là mục tiêu chung của nền kinh tế nước nhà, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh thông qua nhiều biện pháp, trong đó việc nâng cao chất lượng hàng hóa là một trong những tiêu chí hàng đầu giúp phát triển kinh tế bền vững.
    Việc tham gia Hiệp định đã tạo ra một “sân chơi” lớn, công bằng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu kỹ các nội dung của Hiệp định nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh của mình để chủ động nắm bắt, xây dựng cơ chế kinh doanh phù hợp với khuôn khổ của Hiệp định đồng thời cần có những động thái tích cực hơn trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế. Lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã có những chỉ đạo kịp thời về việc thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) trên địa bàn tỉnh để giúp các đối tượng có thể chịu tác động của Hiệp định như: cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cơ quan quản lý địa phương, các thành phần lao động khác,.. nắm bắt cơ hội, tiềm lực đã có đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại để có định hướng đầu tư phù hợp, chú trọng về một số lĩnh vực chính như: thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường các nước tham gia Hiệp định RCEP, đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm của địa phương, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ,… Đồng thời, việc thiết lập các đầu mối thông tin về Hiệp định, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại – đầu tư tại các nước tham gia Hiệp định, phát triển các thế mạnh hiện có của nền kinh tế tỉnh, thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tìm hướng khắc phục… đã giúp thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp có thể kịp thời nắm bắt được thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa để có định hướng đầu tư và phát triển phù hợp trong khuôn khổ Hiệp định RCEP.
Cơ sở pháp lý:
  • Nội dung Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) (Xem nội dung văn bản tại đây).
  • Công văn số 7268/BCT-ĐB của Bộ Công thương ban hành ngày 16/11/2021 về việc thông báo thời điểm có hiệu lực của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) (Xem nội dung văn bản tại đây).
  • Quyết định số 01/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 04/01/2022 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện hiệp hội đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) (Xem nội dung văn bản tại đây).
  • Kế hoạch số 129/KH-UBND của UBND tỉnh Bình Phước ngày 09/05/2022 về việc thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) trên địa bàn tỉnh (Xem nội dung văn bản tại đây).
Ngọc Trang

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay253,468
  • Tháng hiện tại7,133,424
  • Tổng lượt truy cập380,253,761
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Bqlkkt_phong chong covid
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây